Thời gian gần đây tại rất nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, không ít người dân đã phàn nàn và tỏ ra vô cùng lo ngại về những lớp bụi dày bất thường trong không khí. Tác nhân gây ô nhiễm được xác định là do nông dân ở các vùng nông thôn lân cận đốt rơm rạ.
Hoạt động đốt rơm rạ
Đốt rơm rạ là hoạt động nông dân đốt các phần rác, rơm rạ còn sót lại trên cánh đồng sau khi thu hoạch. Trước những năm 1980, nông dân vẫn chủ yếu canh tác theo phương pháp thủ công và thường chôn phần rơm rạ còn lại xuống đất sau khi thu hoạch. Cuộc Cách mạng Xanh và thu hoạch cơ giới hóa đã làm tăng đáng kể sản lượng lúa và lúa mì, kéo theo lượng rơm rạ cũng vì thế mà vượt qua khả năng xử lý của phương pháp truyền thống. Điều này khiến đốt rơm rạ trở thành một giải pháp nhanh chóng và chi phí thấp dành cho nông dân do khoảng thời gian giới hạn giữa thu hoạch một vụ mùa và gieo sạ cho vụ mùa khác chỉ từ 20-25 ngày.
Tình hình đốt rơm rạ tại Việt Nam
Miền Bắc Việt Nam vừa kết thúc vụ lúa Đông Xuân kéo dài từ tháng 11/2020 đến tháng 4 năm nay. Nông dân vẫn sử dụng phương pháp đốt rơm rạ truyền thống để tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện hơn, thải ra một lượng rất lớn chất gây ô nhiễm không khí.
Theo nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, hoạt động đốt rơm rạ vụ Đông Xuân 2020 đã tạo ra hơn 163 tấn bụi mịn PM 2.5 và hơn 23 nghìn tấn khí cacbonic (CO2). Đây là một yếu tố đáng kể làm gia tăng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, đặc biệt là vào ban đêm, gây ra không tác động tiêu cực đến giấc ngủ và sức khỏe của mọi người.
Theo TS Hoàng Anh Lê – Trưởng nhóm nghiên cứu, trong vụ Đông Xuân 2020, diện tích gieo trồng lúa toàn thành phố Hà Nội là 67,493 ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích gieo cấy lúa trên toàn quốc. Tổng sản lượng lúa là 427,713 tấn, lượng rơm rạ tồn đọng trên đồng ruộng là 384,505 tấn, tỷ lệ rơm rạ đốt trên đồng ruộng vụ Đông Xuân 2020 bình quân là 20%. Các huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao từ 35-60% gồm Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ. Trong khi đó ở vụ Hè Thu, huyện Hoài Đức có tỷ lệ đốt rơm rạ cao nhất, tiếp đến là các huyện Thanh Oai và Ứng Hòa (khoảng 6,5%).
Hơn nữa, việc nông dân đốt rơm rạ tự phát còn tạo ra rất nhiều khói quanh khu vực đốt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
“Trước đây, trong xã tôi cũng có nghề làm nấm rơm, thế nhưng làm không đạt năng suất, người dân chán không làm nữa. Về việc đốt rơm, tôi cũng là người tham gia giao thông, vào những hôm nhiều người đốt rơm rạ, bản thân cũng thấy khó chịu vì khói, nhưng nếu giữ lại thì không để đâu được.” – Anh Quân, một nông dân ở Hà Nam chia sẻ.
Các chính sách của nhà nước trước vấn đề đốt rơm rạ
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trồng trọt và các quy định pháp luật khác, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu từ ngày 1/1/2021 toàn bộ rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sẽ được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý theo yêu cầu kỹ thuật, xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ngành, ủy ban nhân dân phải thường xuyên theo dõi, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn; xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin để phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, việc tạo đầu mối thu mua sản phẩm đầu ra từ nghề trồng nấm và sản xuất phân bón từ rơm rạ cũng là cách tạo nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo lợi ích kinh tế và an toàn sức khỏe cho nông dân.
Lời kết
Mặc dù những tác hại về sức khỏe là điều có thể nhìn thấy rõ, đốt rơm rạ hiện nay vẫn là hoạt động tự phát của nông dân, xuất phát từ tâm lý cho rằng đây là biện pháp nhanh nhất, rẻ nhất và tiện lợi nhất để xử lý rác thải sau canh tác.
Chống ô nhiễm không khí vẫn là một “cuộc chiến” chưa có hồi kết. Các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp thay thế bền vững hơn, chỉ ra sự khác biệt giữa hậu quả lâu dài và lợi ích ngắn hạn để từng bước thay đổi thói quen xấu này của nông dân.